Animal feed market

Cần sớm bình ổn thị trường thức ăn chăn nuôi

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện cả nước có khoảng 220 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp, với tổng công suất ước đạt hơn 31 triệu tấn/năm, cao hơn so với nhu cầu sử dụng đến năm 2020 (25 triệu tấn). Không chỉ nguồn cung đã vượt cầu, một nghịch lý xảy ra nhiều năm qua là dù một nước sản xuất nông nghiệp có thứ hạng cao trên thế giới về xuất khẩu gạo và các nông sản nước ta vẫn phải nhập khẩu khối lượng TĂCN tương đối lớn, giá TĂCN ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi gặp khó khăn.

 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong bảy tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu (NL), tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2017. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện chúng ta chỉ tự túc được khoảng hơn 40% NL chế biến thức ăn công nghiệp (cám gạo, khoai mì), gần 60% nguồn NL còn lại (ngô, lúa, mì, đậu tương…) vẫn phải nhập từ các nước: Ác-hen-ti-na, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.

Đơn cử như khối lượng ngô nhập về dùng cho sản xuất TĂCN trong tháng 7 đạt hơn 563 nghìn tấn với trị giá khoảng 122 triệu USD, nâng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô bảy tháng đầu năm 2018 lên hơn 5,4 triệu tấn và hơn 1,1 tỷ USD, tăng 28,65% về khối lượng và 30,86% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nước ta phải nhập TĂCN và NL vì một số vùng sản xuất TĂCN chưa phát triển do năng suất cây trồng kém, người dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng TĂCN cho doanh nghiệp (DN).o

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TĂCN. Trong khi đó, giá ngô, đậu tương nhập khẩu ở nhiều thời điểm lại thấp hơn giá ngô, đậu tương trồng trong nước.

Việt Nam còn thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái, cho nên năng suất thấp, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô nhập ngoại. Sản lượng, chất lượng các sản phẩm NL trong nước lại bất ổn so với NL nhập khẩu, dẫn đến hiện tượng DN sản xuất quyết định nhập hàng từ các nước khác. Chưa kể, khâu cung cấp NL, sản xuất TĂCN và chăn nuôi cần có sự liên kết chặt chẽ nhưng thực tế diễn ra hiện nay là phát triển theo kiểu tự phát, thiếu sự gắn kết.

Ngoài ra, nguồn NL TĂCN sẵn có ở các địa phương còn bị bỏ ngỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường do phần lớn người chăn nuôi chưa có kiến thức chế biến cũng như điều kiện để đầu tư máy móc tự sản xuất TĂCN từ nguồn NL dồi dào như: thân cây ngô, cây chuối, ngọn mía…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh, còn một số lý do dẫn đến sự chênh lệch trong việc sử dụng TĂCN giữa DN và nông dân.

Một là, do giống DN và nông dân chăn nuôi khác nhau. Hai là, môi trường chăn nuôi khác nhau, DN sử dụng chuồng trại khép kín hiện đại, trong khi nông dân lại nuôi lợn ở các chuồng trại nhỏ lẻ, đơn sơ… Ðây là những nguyên nhân cơ bản khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi TĂCN chiếm từ 60% đến 70% chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Một số DN sản xuất TĂCN khác thì cho rằng, do chi phí cao nên giá thành TĂCN tăng. Với vai trò là nhà sản xuất, DN chỉ muốn hạ giá TĂCN để giúp nông dân và tiêu thụ thêm nhiều sản phẩm, nhưng thực tế thì hệ thống cung ứng TĂCN hiện nay cơ bản do các đại lý và “đầu nậu” chi phối.

Ðể giảm khối lượng nhập khẩu và giá TĂCN, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện ngay giải pháp thích hợp để bình ổn thị trường TĂCN, đồng thời có biện pháp sắp xếp lại các DN chế biến, giảm bớt cơ sở sản xuất TĂCN thiếu hiệu quả. Cần phải tổ chức lại sản xuất ngành TĂCN, xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu TĂCN một cách ổn định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo, yêu cầu các tỉnh tạm dừng phát triển, chuyển một phần sản xuất sang cám truyền thống để chăn nuôi truyền thống, giảm nhập NL về làm cám công nghiệp.

Những bộ, ngành liên quan rà soát và yêu cầu các DN áp dụng công nghệ phù hợp để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành TĂCN. Quản lý TĂCN bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường công tác quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh và hậu kiểm chất lượng sản phẩm. Có cơ chế quản lý việc cân đối sản lượng TĂCN trong nước với tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Nghiên cứu, đẩy nhanh sản xuất thức ăn cho đàn gia súc bằng việc quy hoạch vùng trồng cỏ, sử dụng sản phẩm từ trồng trọt; chế biến thức ăn bổ sung nâng cao. Sớm có chính sách xem xét lại quy hoạch phát triển ngành TĂCN, cân đối giữa diện tích trồng lúa và diện tích trồng ngô, nguồn NL chính để làm TĂCN.

Muốn nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi nói chung, cạnh tranh được với ngô nhập khẩu nói riêng, ngành sản xuất ngô Việt Nam phải giảm giá thành ngô thương phẩm, thông qua hai yếu tố chính là chi phí canh tác và năng suất. Tăng cường năng lực chủ động nguồn NL trong nước.

Đồng thời, hướng đến sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng lựa chọn DN phù hợp để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy để hưởng ưu đãi về giá, không phải qua trung gian. Cần tiếp tục thực hiện chu trình khép kín “sản xuất – tiêu thụ” theo chuỗi giá trị, chú trọng giảm chi phí, phòng, chống dịch bệnh tốt, tận dụng NL sẵn có để hạ giá thành TĂCN, tăng khả năng cạnh tranh. Nếu làm tốt, sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, người dân có thêm thu nhập.

 

CÔNG TY CỔ PHẦN ABC VIỆT NAM

Recent Posts

Recent Comments

    Archives

    Categories

    Meta

    Add to cart