Kỹ thuật chăn nuôi

Chăn nuôi vịt kết hợp thả cá

Chăn nuôi vịt và thả cá là hai nghề truyền thống của nhân dân ta từ bao đời nay. Song kết hợp thả cá với nuôi vịt không phải trang trại nào cũng có thể áp dụng được.

1. Những điều kiện có thể áp dụng chăn nuôi vịt kết hợp thả cá

– Phải có vốn đầu tư

– Phải có đất đai để làm chuồng trại, có ao hồ mương rạch để thả cá

– Phải nắm được kỹ thuật nuôi vịt, kỹ thuật thả cá và sự kết hợp giữa nuôi vịt và thả cá

– Phải bảo vệ được sản xuất, môi trường và an toàn cho người và vật nuôi

– Phải có giống vịt, cá thích hợp mới đem lại hiệu quả cao

2. Những ảnh hưởng qua lại khi kết hợp nuôi vịt và thả cá

2.1. Ảnh hưởng của vịt đối với cá

2.1.1. Ảnh hưởng có lợi:

Vịt thải phân làm thức ăn cho cá

Phân vịt là thức ăn cho các động vật thuỷ sinh khác tồn tại và phát triển, đến lượt nó – các động vật thuỷ sinh lại trở thành thức ăn cho cá.

Vịt bơi lội, lặn hụp làm tăng lượng oxy hoà tan trong nước giúp cho cá có đủ lượng oxy cần thiết trong quá trình hô hấp, bảo đảm quá trình trao đổi chất bình thường, không phải dùng sức người hoặc máy khuấy mặt nước.

Thức ăn dư thừa, vương vãi của vịt đưa xuống ao làm thức ăn cho cá.

2.1.2. Ảnh hưởng có hại và biện pháp khắc phục:

Vịt có thể ăn cá nhỏ, vì vậy không nên thả vịt vào ao cá giống mà chỉ thả vào ao nuôi cá thịt vì lúc đó cá đã có cỡ to hơn, vịt không bắt ăn được.

Vịt mò, súc vào bờ có thể làm xói lở, khắc phục bằng cách rào chắn phên, nứa, tre hoặc lưới nilon cách bờ tối thiểu 40cm, nếu kè bờ thì càng tốt

Mật độ quá đông ảnh hưởng môi trường ao nuôi cá, cá chậm lớn thậm chí có thể chết, vì vậy phải bảo đảm mật độ

2.2. Ảnh hưởng của cá đối với vịt:

2.2.1. Ảnh hưởng có lợi

Cá nhỏ, cá tạp, tôm, cua…(mỗi khi đánh bắt, thả bù) không đảm bảo tiêu chuẩn bị loại hoặc rơi vãi, mới chết trở thành thức ăn đạm cung cấp cho vịt rất tốt

Cá ăn phân vịt và các chất thải từ chuồng vịt ra thực tế đã làm vệ sinh môi trường, giảm được phân công lao động cho người chăn nuôi, làm giảm ô nhiễm góp phần bảo vệ sức khoẻ cho vịt.

Cá có thể tận dụng thức ăn dư thừa, vung vãi của vịt là thức ăn tinh (hỗn hợp, thóc, cám), thức ăn phụ phẩm (bã đậu, bã bia) lẫn thức ăn xanh (rau, bèo) nâng cao được hiệu quả sử dụng thức ăn góp phần hạ giá thành sản phẩm

Ngoài ra ao thả cá cũng như các ao bình thường không thả cá là nơi để vịt bơi lội, rỉa lông làm sạch vịt góp phần điều tiết nhiệt độ trong những ngày nóng lực

2.2.2. Ảnh hưởng có hại và cách khắc phục

Cá chết quá ôi thối vịt ăn có thể bị rối loạn tiêu hoá hoặc nhiễm bệnh, không nên cho vịt ăn cá ôi thối

Cá có thể đớp bộ phận sinh dục của vịt (ngan) trống sau khi giao phối (rất ít xảy ra) không nên thả vịt giống ở ao nuôi cá dữ

3. Mật độ đầu vịt trong ao cá

Edward (1983) trong thí nghiệm của mình đã tính toán: để có được 174,7 kg cá/200m2/năm phải nuôi 26,7 con vịt (nếu tính theo hecta sản lượng sẽ phải là 8735 kg cá/ha/năm thì nuôi 1335 vịt), trích dẫn của Lê Viết Ly và Bùi Văn Chính (1996).

Mật độ trên đảm bảo nuôi cá bình thường không cần bổ sung thức ăn, nếu quá mật độ đí thì phải thay nước và dọn ao định kỳ, đồng thời thả thêm rau, bèo tạo thành một mảng ở góc ao để xử lý môi nước (kinh nghiệm dân gian).

Tuy nhiên sản lượng cá thu được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng cá, bảo vệ và dọn ao sạch sẽ chống các động vật khác hại cá (rái, cá, rắn…), cơ cấu đàn cá trong ao có thích hợp hay không, phòng trừ dịch bệnh cho cá… Muốn có năng suất cá cao người chăn nuôi phải áp dụng tất cả các biện pháp tổng hợp nêu trên.

4. Kỹ thuật nuôi vịt kết hợp thả cá

Nuôi vịt và nuôi cá là hai nghề khác nhau vì vậy kỹ thuật nuôi cũng khác nhau. Trong phần này chúng tôi trình bày kỹ thuật nuôi vịt và nuôi cá trong cùng một hệ thống kết hợp cá – vịt

4.1. Kỹ thuật nuôi vịt

Nuôi vịt kết hợp thả cá ta có thể nuôi vịt đẻ (vịt Cỏ, vịt Khaki Campbell, vịt CV2000 Layer, vịt Triết Giang…) cũng có thể nuôi vịt thịt như vịt CV Super M và các giống vịt khác chỉ nhằm mục đích lấy thịt.

4.1.1. Chuồng nuôi

Chuồng nuôi vịt có thể làm ngay gần ao bằng các thanh tre, nứa lá hoặc gỗ có sân tạo thành độ dốc cần thiết để vịt lên xuống dễ dàng. Chuồng bảo đảm thoáng, sạch có chất độn chuồng bằng phôi bào, trấu khô hoặc rơm rạ không bị hôi mốc. Chủ yếu dùng cho vịt đẻ còn vịt thịt chỉ cần độn chuồng giai đoạn đầu 1-14 ngày tuổi. Ở Thái Lan, Indonesia người ta làm chuồng trên máng tre nữa ở ngay dưới ao, vịt nuôi rất tốt. Nhiệt độ chuồng nuôi ba ngày đầu từ 280 – 300C sau giảm dần, từ ngày thứ 10 trở đi 20– 220C. Dụng cụ nuôi đơn giản như máng ăn, máng uống có thể sử dụng chậu, mẹt tre, tấm nilon thay cho máng ăn máng uống.

4.1.2. Chọn vịt con

Chọn vịt khoẻ mạnh, tránh khô chân, vẹo mỏ, khòeo chân, hở rốn. Nếu là vịt nuôi để lấy trứng thì nên chọn trống mái ngay từ một ngày tuổi để loại những con trống nuôi thịt.

4.1.3. Thức ăn

Dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc dùng gạo lật, mảnh ngô nấu chín, thóc luộc (giai đoạn nhỏ), thóc nguyên hạt (giai đoạn vịt lớn) trộn thêm cá, đậu tương rang hoặc cua, ốc, tôm, tép, premix vitamin.

Thức ăn bảo đảm:

1-3 tuần: Protein 20%, năng lượng 2900 kcal

4-8 tuần: Protein 17%, năng lượng 2900 kcal

9-18 tuần: Protein 14%, năng lượng 2900 kcal

19 tuần trở lên: Protein 17%, năng lượng 2700 kcal

4.1.4. Lượng thức ăn và cách cho ăn:

Chúng tôi giới thiệu mức ăn bình thường cho vịt đẻ trứng, người chăn nuôi có thể tăng giảm cho phù hợp với từng giống vịt và điều kiện bổ sung nguồn thứuc ăn có sẵn tại chỗ.

Từ 1-7 ngày cho ăn 80 – 100g/con

Từ 8-14 ngày cho ăn 250 – 300g/con, tập cho vịt ăn thóc luộc và thả xuống ao.

Từ 22-90 ngày cho ăn bổ sung 100 – 110g/con/ngày

Từ 91-120 ngày cho ăn bổ sung 120 – 130g thóc/con/ngày

Khi vịt đẻ có thể cho ăn hỗn hợp cám đậm đặc và thóc tỷ lệ 30-40% đậm đặc, 60-70% thóc, tuỳ theo khả năng bổ sung các loại thức ăn khác như cá, tôm, cua ốc, rau bèo. Luôn luôn bảo đảm nước uống sạch đủ.

4.1.5. Lịch phòng bệnh cho vịt

Từ 1-3 ngày tuổi dùng Streptomycine 3-4mg/con, Neoteool, Tetracylin, Cholocide 40-50 mg/kg thể trọng vịt

Bổ sung thêm vitamin

Từ 10-15 ngày tuổi tiêm vacxin dịch tả lần 1 (dưới da)

Từ 56-60 ngày ruổi tiêm vacxin dịch tả lần 2

Từ 135-140 ngày ruổi tiêm vacxin dịch tả lần 3.

Sau khi đẻ 4-5 tháng tuổi tiêm vacxin dịch tả lần 4.

Tiêm vacxin cúm gia cầm theo hướng dẫn của bác sỹ thú y.

Ngoài ra theo dõi biến động thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe vịt có thể bổ sung kháng sinh phòng bệnh cho vịt 1-2 tháng một lần

4.2. Kỹ thuật nuôi cá thịt

Trong vùng nước ao hồ thường có sẵn một lượng thức ăn tự nhiên cho cá, đó là các loài tảo và động vật nhỏ li ti như thuỷ trần, bọ nước. Dưới đáy ao có các loại giun nước và cây cỏ thuỷ sinh sống. Những hồ ao tốt màu mặt nước thoáng rộng có lượng thức ăn tự nhiên phong phú. Trái lại những ao tù, cớm hoặc nhiều phèn thì nguồn thức ăn tự nhiên không phát triển (Nguyễn Duy Khoát 1995). Trung tâm khuyến ngư Quốc gia “kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm” Nhà xuất bản nông nghiệp năm 2004.

Nuôi cá kết hợp nuôi vịt có thể áo dụng ở cả loại hình ao nước tĩnh và ao nước chảy, nhưng chủ yếu là ao nước tĩnh

Nuôi cá ao nước tĩnh muôn đạt năng suất cao phải nuôi cá ghép nhiều loại cá có tập tính ăn khác nhau trong một ao để chúng không cạnh tranh nhau mà còn hỗ trợ nhau làm cho môi trường nuôi cá tốt hơn (ví dụ nuôi cá trắm cỏ với cá rô phi khi cá trăm cỏ thải phân cá rô phi lại ăn trực tiếp phân cá trắm cỏ).

4.2.1. Chọn ao nuôi và xác định loại cá nuôi chính:

– Ao có diện tích 1000 m2 trở lên mức nước sâu 1,5m – 2m chất nước có màu tốt nên nuôi cá mè làm chủ

– Ao đất thịt pha cát có đất đáy là cát bùn thì nên nuôi cá trôi làm chủ

– Ao có diện tích rộng có nhiều rong bèo có cỏ và ở nơi có nhiều thức ăn xanh thì nuôi cá trắm cỏ làm chủ

– Những ao có nguồn nước rửa chuồng, có thức ăn thừa của lợn, vịt có thể thả cá rô phi làm chủ.

– Trong hệ thống kết hợp cá vịt có thể áp dụng được cả 4 loại hình trên. Riêng loại hình thứ tư cá rô phi làm chủ còn nhằm mục đích cung cấp cá thường xuyên cho vịt thay vì dùng các loại thức ăn đạm động vật khác.

4.2.2. Chuẩn bị ao và thả cá:

– Ao được tát dọn, nếu nhiều bùn thì vét bớt bùn ở đáy ao, sửa lại những chỗ bị sụt lở. Đóng cọc tre, chắn phên hoặc lưới nilon quanh bờ ao cách bờ tối thiểu 40cm. Rắc vôi bột để diệt cá tạp và khử độ chua nếu có. Khi tháo nước vào, nước phải ngập các phên hoặc mặt lưới khoảng 20cm phần phên, lưới còn lại trên mặt nước tối thiểu 30cm.

– Thả cá: Thời vụ thả cá có hai vụ: vụ xuân và vụ thu

Cá thả vào ao để kết hợp thả vịt nên có kích thích cỡ to hơn: chiều dài cá như sau:

+ Cá mè: 12-15cm

+ Cá trắm cỏ: 15-17cm

+ Cá chép, trôi, rô phi: 10-12cm

Ở các tỉnh phía Bắc không nên thả cá rô phi vào vụ thu đông vì trời rét dễ bị chết. Nếu thả cá rô phi thì phải chú ý chống rét.

Thả cá phải chọn những con khoẻ, cỡ giống tương đối đồng đều, không bị nhiễm bệnh.

4.2.3. Mật độ nuôi, thành phần và tỷ lệ thả ghép

– Ao nuôi ghép lấy cá mè trắng là chính

Tổng số cá thả từ 12000-14000 con/ha. Theo Trần Vỹ (1999) thì tỷ lệ mè trắng 60%; mè hoa 5%; trắm cỏ 3%; trôi Việt 25% và chép 7%. Hoặc mè trắng 60%, mè hoa 20%, trắm cỏ 20%, trôi Việt 10% và chép 8%.

Ao nuôi ghép lấy cá trắm cỏ là chính. Cá trắm cỏ chiếm 50%, mè trắng 20%, mè hoa 2%, trôi Việt 20%, chép 4% và rô phi 6%. Hoặc trắm cỏ 50%, mè trắng 27%, mè hoa 3%, trôi Việt 10% và rô phi 10%.

Ao nuôi ghép lấy cá rô phi là chính. Cá rô phi 45%, mè trắng 20%, mè hoa 5%, trôi Việt 20%, trắm cỏ 4%, chép 6%. Hoặc rô phi 45%, mè trắng 30%, mè hoa 5%, trôi Việt 20%, trắm cỏ 10%, chép 6%.

Ao nuôi ghép lấy cá trôi Ấn Độ và cá Mrigan là chính. Cá trôi Ấn Độ 30%, Mrigan 25%, trắm cỏ 3%, mè trắng 10%, mè hoa 5%, trôi Việt 20%, chép 7%.

4.2.4. Cho cá ăn

– Thức ăn chủ yếu của cá là phân chuồng, rau xanh (hoặc chất xanh như là cỏ, rau, bèo rong…) phân đạm, phân lân. Ở hệ thống nuôi kết hợp cá vịt phân chuồng, phân xanh đã được vịt cung cấp qua chất thải của chúng là phân vịt. Ngoài ra còn có các chất thải rửa chuồng và thức ăn dư thừa rơi vãi được đưa xuống ao vì vậy không cần phải cung cấp thức ăn cho cá như ở các ao không thả vịt. Người ta chỉ chú ý cung cấp đạm và lân mà thôi. Tuy nhiên vẫn phải theo dõi đàn cá nếu thấy cá biểu hiện cá đói ăn thì phải kịp thời bổ sung ngay. Nhất là khi nuôi cá có mật độ cao quá 2 con/1m2.

– Đối với ao nuôi cá trắm cỏ là chính cần chú ý bổ sung rau, bèo, bã bia, bã đậu cho vịt và cho cá vì để tăng được 1kg thịt cá trắm cỏ cần phải có 30-40 kg thức ăn xanh

– Lượng phân đạm và lân cần cung cấp cho cá:

Lượng thức ăn cho cá theo tháng nuôi như sau:

Tháng nuôi cáPhân chuồng kg/haPhân xanh kg/haĐạm kg/haLân kg/ha 
Tháng 3-56006001812
Tháng 6-87007002515
Tháng 9-118008002014
Tháng 12-26004004020

Phân đạm và phân lân bón theo tỷ lệ một đạm, một lân hoặc 1,5 đạm, một lân hoà tan trong nước té đều xuống ao.

5. Quản lý và chăm sóc đàn vịt và ao cá

5.1. Đối với vịt nuôi kết hợp thả cá

– Phải theo dõi đàn vịt hàng ngày để phát hiện những con không bình thường, nhốt lại chăm sóc riêng, nếu mắc bệnh thì chữa.

– Những ngày, những lúc nóng quá, rét quá không nên cho vịt xuống ao.

-Thường xuyên quét dọn chuồng (kể cả chuồng trên máng), tu sửa những chỗ hư hại.

– Sân chuồng và quanh bờ ao nên trồng cây ăn quả để tăng thu nhập và tạo bóng mát cho vịt và cá.

5.2. Chăm sóc ao cá

– Thường xuyên giữ đủ nước theo quy định.

– Hàng ngày kiểm tra bờ, cống rãnh, tu sửa lưới chắn để khỏi ảnh hưởng đến vịt và cá để phòng lụt, bão cá đi mất.

– Nếu thấy cá nổi đầu khắp ao, có tiếng động không lặn thì phải bơm thêm nước và hạn chế hoặc ngừng thả vịt xuống ao.

6. Thu hoạch

6.1. Thu hoạch vịt và sản phẩm của vịt

– Vịt đẻ người ta thường nuôi một năm nhưng ở nước ta thường nuôi đến hai năm. Trong thời gian vịt đẻ ta thu hoạch trứng vào buổi sáng sau khi mở cho vịt ra ngoài (không nên cho vịt ăn uống ở trong chuồng vịt sẽ làm bẩn nền chuồng ảnh hưởng đến chất lượng trứng).

Khi loại thì loại toàn đàn, quét dọn, vệ sinh chuồng để khoảng 2-3 tuần rồi đưa đàn vịt mới vào nuôi.

– Đối với vịt thịt người ta thường nuôi gối nhau lúc nào trong trang trại cũng có 3-4 đàn ở các lứa tuổi khác nhau quy mô đàn từ 100-200-300 đến 1000 con tuỳ theo điều kiện của từng trang trại

Vịt được khoảng 2 tháng tuổi thì xuất chuồng, tốt nhất là gọn từng đàn, không nên xuất lai rai, vừa manh mún vừa khó quản lý

6.2 Thu hoạch cá

– Sau khi thả cá từ 8-9 tháng có thể dùng lưới đánh tỉa từng con đủ tiêu chuẩn thịt. Riêng cá rô phi nuôi sau 4 tháng bắt đầu đánh tỉa

– Tháo cạn và thu hoạch toàn bộ vào các tháng

+ Cá thả tháng 2-5 thu hoạch tháng 12 đến tháng 2 (trước tết âm lịch)

+ Cá thả từ tháng 8-9 thu hoạch tháng 9-10 năm sau. Riêng cá rô phi ở các tỉnh phía Bắc phải thu hoạch xong trong tháng 12.

Trước khi thu hoạch cá ngừng thả vịt một đến hai ngày sau đó rút bớt nước, dùng lưới đánh bắt cá sau đó mới tháo cạn và thu hoạch toàn bộ.

Nguồn http://www.vusta.vn

CÔNG TY CỔ PHẦN ABC VIỆT NAM

Recent Posts

Recent Comments

    Archives

    Categories

    Meta

    Add to cart