CẢ NƯỚC ĐÃ CƠ BẢN KHỐNG CHẾ ĐƯỢC DỊCH TẢ CHÂU PHI VÀ ĐANG TỪNG BƯỚC TÁI ĐÀN LỢN
Thời điểm cuối tháng tư và đầu tháng năm, đồng loạt các báo đưa tin về việc cả nước đã cơ bản khống chế được dịch tả châu Phi và đang từng bước tái đàn lợn.
Báo Tin tức đưa tin tại tỉnh Bắc Ninh: Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã tập trung tiêu độc khử trùng môi trường; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân từng bước tái đàn lợn, đáp ứng nhu cầu thịt cho thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện các trang trại, nông hộ được đầu tư đảm bảo an toàn sinh học đã khôi phục được gần 100%. Đối với nông hộ không tự túc được con giống cũng đã được phục hồi khoảng 50%. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hơn 300.000 con, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo nông nghiệp đưa tin về tình hình tái đàn lợn của tỉnh Phú Thọ: Bằng những giải pháp linh hoạt, từ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đến các giải pháp tái đàn ở Phú Thọ đang đạt những hiệu quả tích cực, nhiều chủ trang trại khác ở thị xã Phú Thọ, các huyện Phù Ninh, Cẩm Khê, Đoan Hùng… trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang sẵn sàng tái đàn sau kỳ tích sống sót qua dịch tả Châu Phi.
Kỳ tích ở chỗ, là địa phương có tổng đàn lợn xếp thứ 2 ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc, nhưng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi của tỉnh Phú Thọ thậm chí còn thấp hơn so với mức trung bình chung của toàn quốc nhiều lần.
Báo Cao Bằng đưa tin về huyện Phục Hòa, sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của huyện Phục Hòa, đến nay, các xã trên địa bàn huyện không phát sinh thêm ổ dịch mới hay tái bùng phát dịch. Cùng với các giải pháp phòng chống dịch bệnh, việc tái đàn cũng bắt đầu được các hộ chăn nuôi thực hiện để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường. Tuy nhiên hiện nay, việc tái đàn phải có sự kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi mới đem lại hiệu quả, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.
Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa ông Đinh Bế Hoan cho biết: Để triển khai công tác tái đàn lợn trên địa bàn, huyện thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tái đàn lợn và đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi. Cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra các hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn; hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sử dụng vôi bột, hóa chất, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên giám sát dịch bệnh từ hộ chăn nuôi.
Báo Quảng Ninh cũng đưa tin về việc thúc đẩy tái đàn, đảm bảo nguồn cung. Cùng với kêu gọi các doanh nghiệp chung tay điều chỉnh giá lợn hơi; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kết nối doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để bình ổn cung cầu trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học.
Trong đó, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, qua đó hình thành nhiều hơn các chuỗi và các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, đảm bảo cân đối cung cầu về thịt lợn giải pháp quan trọng nhất là phải tăng đàn và tái đàn.
Theo Thứ trưởng: “Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng với các doanh nghiệp xây dựng quy trình an toàn sinh học tốt nhất và ở mức an ninh sinh học cao nhất. Đây chính là điều kiện để tái đàn tốt trong thời gian tới. Hiện nay, an ninh sinh học đã và đang được phổ biến, tuyên truyền cũng như các mô hình được nhân rộng trong sản xuất, sắp tới tốc độ tái đàn sẽ nhanh hơn những tháng qua”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình tăng đàn và tái đàn hiện nay đang thuận lợi. Tính đến hết quý I tổng đàn lợn cả nước so với cuối năm 2019 đã tăng được 6,3 %. Cụ thể là đến cuối tháng 3/2020 số đầu lợn là 24 triệu con. Với tốc độ như hiện nay đến cuối quý III và đầu quý IV, số đầu lợn sẽ tương đương so với mức cao nhất cuối năm 2018, lúc đó sẽ cân đối được cung cầu về thịt lợn trên thị trường.
Tuy vậy, dù dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng để tái đàn, tăng đàn, người chăn nuôi tuyệt đối không nên chủ quan, thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng nuôi, tránh lây lan vi rút từ môi trường cho đàn lợn.
Recent Comments