Kỹ thuật chăn nuôi bò

AN TOÀN DỊCH BỆNH TRÊN ĐÀN BÒ SỮA

Định kỳ kiểm tra sức khoẻ và có lịch tiêm phòng các bệnh chính theo quy định hiện hành (tụ huyết trùng, lở mồm long móng…), các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (lao, sảy thai truyền nhiễm, xoắn trùng, bệnh ký sinh trùng đường máu…) tùy theo tình hình dịch tễ của vùng để có yêu cầu cụ thể về quy trình phòng bệnh.

1. Giải pháp quản lý dịch bệnh và điều trị bệnh

Khi điều trị bệnh, cần ghi chép thông tin đầy đủ về dịch bệnh, tên thuốc, liều lượng, lý do dùng, thời gian dùng, người điều trị, thời điểm ngưng thuốc. Không bán bò trong thời gian cách ly thuốc. Khi phát hiện bò chết phải báo với cán bộ kỹ thuật để có biện pháp xử lý.

Việc sử dụng thuốc và vắc-xin phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan thú y, cán bộ thú y và nhà sản xuất. Vắc-xin và một số kháng sinh phải được bảo quản lạnh theo hướng dẫn, chỉ lấy ra khi sử dụng. Mỗi loại thuốc để riêng một khu vực và không để lẫn vào nhau, đặc biệt là đối với các loại thuốc có tính đối kháng nhau. Ghi chép việc xuất nhập kho từng loại thuốc, chủng loại thuốc, thời hạn sử dụng để sử dụng đúng hạn, tránh lãng phí. Cần phải có kế hoạch cụ thể về việc sử dụng vắc-xin và thuốc thú y cho trại và phải lập bảng kế hoạch sử dụng thuốc.

Khi điều trị bệnh cần phải cách ly để phòng ngừa lây lan khi bò có biểu hiện bệnh. Ghi chép tất cả các thông tin liên quan đến quá trình điều trị. Trong trường hợp không thể chuyển ra khu cách ly riêng thì phải đưa vào ô chuồng riêng.

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị cần phải tuân thủ đúng quy định về chủng loại, liều lượng, thời gian dùng thuốc và ghi chép đầy đủ vào trong hồ sơ. Không được sử dụng những kháng sinh nằm trong danh mục cấm của Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cần phải tuân thủ tuyệt đối thời gian ngừng sử dụng kháng sinh trước khi khai thác sữa hay giết thịt.

2. Giải pháp phòng bệnh

Định kỳ kiểm tra sức khoẻ và có lịch tiêm phòng các bệnh chính theo quy định hiện hành (tụ huyết trùng, lở mồm long móng…), các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (lao, sảy thai truyền nhiễm, xoắn trùng, bệnh ký sinh trùng đường máu…) tùy theo tình hình dịch tễ của vùng để có yêu cầu cụ thể về quy trình phòng bệnh.

Với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin cho bò sữa bao gồm các bệnh sau: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng; Các bệnh truyền nhiễm truyền lây giữa động vật và người phải giám sát định kỳ đối với bệnh: Sảy thai truyền nhiễm, Lao bò, Xoắn khuẩn; Căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc điểm dịch tễ và sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở bò sữa mà có các giải pháp cụ thể như sau:

a. Bệnh lở mồm long móng (LMLM)

– Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin: Tất cả các đối tượng bò sữa đều cần được tiêm văc-xin LMLM theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tại khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định. Tổ chức tiêm phòng định kỳ theo quy trình nuôi, tiêm phòng bổ sung đối với bò mới phát sinh, đàn bò đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ hoặc tiêm phòng theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương. Căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng vùng, miền, thông báo chủng vi-rút LMLM lưu hành tại thực địa phương của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để xác định loại vắc-xin tiêm phòng cho bò sữa nbảo đảm hiệu quả tiêm phòng. Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

Khi có ổ dịch xảy ra cần tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho bò khỏe mạnh tại nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với bò mẫn cảm tại những nơi chưa có dịch trong cùng địa phương và các vùng tiếp giáp xung quanh vùng có dịch.

– Giám sát bệnh LMLM: Cần giám sát lâm sàng thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với bò mới đưa vào trang trại, mới nuôi, bò trong vùng có ổ dịch cũ. Không mua bán, vận chuyển bò từ vùng có dịch sang các vùng chưa có dịch.

– Xử lý bò mắc bệnh: Tiêu hủy bắt buộc bò chết, bò mắc bệnh không có khả năng điều trị hồi phục hoặc bò mắc bệnh với típ vi-rút LMLM mới hoặc típ vi-rút không xuất hiện trong thời gian 10 năm trở lại đây.

Việc xử lý bò mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận bò bị mắc bệnh LMLM.

– Lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm bệnh: Mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm mầm bệnh là dịch mụn nước, niêm mạc xung quanh mụn nước, biểu mô, máu… Mẫu bệnh phẩm phải được lấy, bao gói và bảo quản theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Mẫu được giữ trong dung dịch bảo quản, trong điều kiện lạnh khoảng 2°C đến 8°C và chuyển ngay về phòng thử nghiệm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

b. Bệnh lao bò

– Phòng bệnh bằng vắc-xin: Hiện nay chỉ có một loại vắc-xin duy nhất phòng bệnh lao bò là vắc-xin nhược độc BCG (Bacillus Calmette – Guerin). Tuy nhiên, vắc-xin BCG ít được sử dụng do gây trở ngại trong việc chẩn đoán bệnh lao.

– Giám sát bệnh lao bò sữa do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định. Thông qua việc quan sát, phát hiện những triệu chứng lâm sàng, bệnh tích điển hình của gia súc bệnh, chết và những đặc điểm về dịch tễ học của bệnh lao. Định kỳ kiểm tra phát hiện bệnh lao bò bằng phản ứng tiêm nội bì. Thực hiện kiểm tra bệnh lao bò đối với 100% số bò sữa thuộc diện phải kiểm tra.

– Xử lý gia súc mắc bệnh: Khi phát hiện bò mắc bệnh lao phải cách ly để điều trị bò mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương. Tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc với bò mắc bệnh lao không có khả năng phục hồi.

– Chẩn đoán xét nghiệm bệnh: Chẩn đoán bệnh lao bò do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định.

c. Bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò

– Để phòng bệnh cần áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Việc tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Giám sát bệnh sảy thai truyền nhiễm bò sữa do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định. Thông qua việc quan sát, phát hiện những triệu chứng lâm sàng, bệnh tích điển hình của gia súc mắc bệnh, chết và những đặc điểm về dịch tễ học. Có thể định kỳ kiểm tra phát hiện bệnh sảy thai truyền nhiễm bằng phản ứng dị ứng hoặc kiểm tra sữa (phản ứng MRT) hoặc kiểm tra kháng thể trong huyết thanh (phản ứng RBT, CFT,…).

– Xử lý bò mắc bệnh: Phải cách ly để điều trị theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Tiêu hủy gia súc chết hoặc gia súc mắc bệnh không có khả năng phục hồi.

– Chẩn đoán xét nghiệm bệnh: Mẫu bệnh phẩm là máu, sữa, tinh dịch, lách, gan, hoạch lympho, nước ối, thai bị sảy,… đựng vào lọ miệng rộng hoặc túi nylon do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định.

d. Bệnh tụ huyết trùng trên bò

– Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin: Tất cả các đối tượng bò sữa đều cần được tiêm vắc-xin tụ huyết trùng theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tại khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định. Tổ chức tiêm phòng định kỳ theo quy trình nuôi, tiêm phòng bổ sung đối với bò mới phát sinh, đàn bò đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ hoặc tiêm phòng theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng vùng, miền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả tiêm phòng. Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

Tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra cần tổ chức tiêm phòng ngay cho gia súc khỏe mạnh tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch đối với gia súc mẫn cảm tại vùng chưa có dịch trong cùng địa phương và các vùng xung quanh chưa có dịch.

– Giám sát bệnh tụ huyết trùng: Quan sát, phát hiện gia súc mắc bệnh dựa trên những triệu chứng lâm sàng, bệnh tích điển hình của bệnh. Lấy mẫu xét nghiệm gia súc bị chết nghi do mắc bệnh tụ huyết trùng để phân lập vi khuẩn gây bệnh.

– Xử lý gia súc mắc bệnh: Cách ly và điều trị gia súc mắc bệnh, tiêu hủy gia súc chết do mắc bệnh tụ huyết trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

– Chẩn đoán xét nghiệm: Mẫu bệnh phẩm là máu tim, dịch xoang bao tim, phổi, xương ống,… đựng vào lọ miệng rộng hoặc túi nylon do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định.

e. Bệnh viêm vú

 Bệnh gây ra do vệ sinh chuồng trại, vệ sinh vắt sữa không tốt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn (như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn hay trực khuẩn gây mủ) hay nấm Candida albicals xâm nhập vào bầu vú và gây bệnh. Sữa là môi trường rất tốt cho các loại vi khuẩn trên phát triển.

Để phòng tránh bệnh viêm vú cần làm tốt công tác chọn giống, thực hiện tốt các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh thú y, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho bò.

Thường xuyên kiểm tra, phát hiện bệnh viêm vú trên bò sữa bằng thuốc thử CMT (California Mastitis Test).

Cải thiện môi trường trong chăn nuôi bò sữa tránh Stress nhiệt, có sân chơi cho bò, có nơi vắt sữa riêng cho bò khai thác sữa, kiểm soát viêm vú trong thời gian cạn sữa của bò.

Thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh vắt sữa, bao gồm

– Trước khi vắt sữa

Phải kiểm tra kỹ các máy móc, thiết bị để đảm bảo sự vận hành ổn định không ảnh hưởng đến bầu vú.

Nơi vắt sữa phải khô ráo, sạch sẽ, thường xuyên được sát trùng.

Toàn bộ dụng cụ vắt sữa phải sạch sẽ, sát trùng phơi khô.

Người vắt sữa khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm, phải có bảo hộ lao động, quần áo sạch, khăn sạch trước khi vắt sữa.

Tắm rửa sạch sẽ toàn bộ cơ thể bò trước khi vắt sữa, thì phải đợi cho bò khô ráo hoàn toàn mới tiến hành đưa vào nơi vắt.

Dùng khăn sạch nhúng vào nước có chất sát trùng rửa sạch đầu vú sau đó lau bằng khăn sạch. Chú ý là mỗi con phải dùng một khăn riêng biệt.

– Trong khi vắt sữa

Nhúng đầu vú vào thuốc sát trùng.

Xoa bóp kích thích bầu vú đến khi có cảm giác bầu vú đã bắt đầu cương cứng, căng sữa.

Vắt bỏ các tia sữa đầu từ mỗi núm vú vào một khay sẫm màu để quan sát màu sắc sữa, mùi vị và xem sữa có bị vón không. Loại bỏ những phần sữa bị ô nhiễm nặng. Chú ý tuyệt đối không vắt sữa đầu xuống nền chuồng vì làm như vậy sẽ lây lan nguồn bệnh.

Vắt kiệt sữa để tăng tỷ lệ mỡ sữa và giảm nguy cơ viêm vú.

Sữa những con viêm vú và đang điều trị kháng sinh để riêng và tiêu hủy.

– Sau khi vắt sữa

Vệ sinh bầu vú, nhúng đầu vú vào dung dịch nước sát trùng.

Vệ sinh sạch sẽ hệ thống máy vắt sữa, dụng cụ phục vụ vắt sữa, dụng cụ vận chuyển sữa ngay sau khi công việc vắt sữa và nhập sữa hoàn thành.

Sữa sau khi vắt phải nhanh chóng đưa đến nơi bảo quản lạnh (giao cho các đại lý thu mua sữa) và thời gian không quá 1 giờ.

Chú ý đến thứ tự vắt sữa

Những con lứa đầu vắt trước, đến những con đang kỳ sữa đỉnh cao và cuối cùng là những con bệnh. Bò khỏe vắt trước, bò bệnh vắt sau. Những con viêm vú được vắt sau cùng để tránh phát tán vi trùng sang những con khác.

f. Bệnh ký sinh trùng đường máu

Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, tiêu diệt ruồi trâu và mòng. Phòng chống côn trùng hút máu và truyền bệnh, chuồng trại phải có tấm che chống ruồi mòng. Phát quang bờ bụi, lấp vũng nước, cống rãnh quanh chuồng và bãi thả để không có chỗ cư trú cho côn trùng. Nuôi dưỡng chăm sóc đàn bò tốt, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Khi xuất nhập con giống bò sữa về nơi nuôi mới cần tiến hành tiêm phòng ký sinh trùng đường máu trong 2 đến 3 tháng đầu.

TT Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba V

Nguồn: Trung tâm khuyến nông Quốc Gia

CÔNG TY CỔ PHẦN ABC VIỆT NAM

Recent Posts

Recent Comments

    Archives

    Categories

    Meta

    Add to cart