Kiến thức chung

Sử dụng hợp lý khô dầu hạt cải trong khẩu phần thức ăn

Trong vài năm gần đây, diện tích canh tác cây cải dầu đã tăng lên đáng kể ở các nước Châu Âu (EU), đặc biệt như ở Đức, nơi mà những nguồn năng lượng có thể tái chế được đang trở nên quan trọng đối với lợi ích của quốc gia. Dầu hạt cải đã được chứng minh là một trong những nguồn dầu diesel sinh học tốt nhất, và sản lượng khô dầu hạt cải ngày càng tăng đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia dinh dưỡng và nhà sản xuất. Nhìn chung, hạt cải dầu được xem là một nguyên liệu tốt để thay thế một phần khô dầu đậu nành trong khẩu phần thức ăn.

Cây cải dầu (Brassica napus và Brassica campestris) là thành viên trong cùng một gia đình như mù tạt, cải bắp và củ cải, là loại cây trồng có năng suất lớn đứng thứ 3 sau đậu nành và cọ. Nó được trồng ở các nước có khí hậu lạnh hơn, những nơi không phù hợp để trồng đậu nành. Các vùng sản xuất chính bao gồm các nước Châu Âu (EU), Canada, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc.

Đầu tiên, hạt cải dầu được nghiền nát để loại bỏ dầu, cho ra bánh dầu hạt cải là sản phẩm đầu tiên. Trong hầu hết các phương pháp ngày nay, bánh dầu tiếp tục được xử lý thông qua quá trình chiết xuất bằng dung môi, thu được thành phẩm cuối cùng là khô dầu hạt cải (Bảng 1). Trung bình, khô dầu hạt cải làm nguyên liệu thức ăn cơ bản (90% chất khô) có chứa 36-38% protein thô, 10-12% xơ thô, 1-2% lipid (dầu), 6-8% tro, dưới 1% Canxi, và 1.2% phốt pho tổng số. Thành phần sản phẩm thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như nguồn gốc, điều kiện phát triển, quá trình sản xuất và mức độ khai thác dầu.

Những yếu tố kháng dinh dưỡng

Các giống cải dầu thường có hàm lượng những yếu tố kháng dưỡng khá cao và gây ảnh hưởng đến tất cả các loài vật nuôi. Những yếu tố kháng dưỡng bao gồm glucosinolate (goitrogenic), axit erucic (độc), tannin, sinapine, axit phytic và chất nhầy. Điều quan trọng nhất là theo quan điểm của các chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi, glucosinolate làm giảm sự chấp nhận thức ăn ở thú do vị “nóng” và cay nồng của chúng (tương tự như mù tạt và củ cải ngựa). Axit erucic (một axit béo) là vấn đề đối với con người vì nó đã được loại bỏ thông qua quá trình chiết xuất dầu, mặc dù bánh dầu cải vẫn còn chứa một lượng dầu thừa tương đối cao. Do những yếu tố kháng dưỡng không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình xử lý nhiệt, nên chỉ thông qua công nghệ nhân giống cây trồng tạo ra những giống hiện đại, sự hiện diện của những chất này mới được làm giảm đáng kể. Các giống cải dầu chứa hàm lượng glucosinolate hoặc axit erucic thấp thường được gọi là “0-rapeseed”, và những giống có hàm lượng cả 2 chất glucosinolate và axit erucic thấp được gọi là “00-rapeseed”. Ngày nay, giống cải dầu thứ hai là loại phổ biến nhất được sử dụng trên toàn thế giới, để sản xuất dầu cho người tiêu dùng.

Hàm lượng glucosinolate cần được kiểm soát thông qua phân tích hóa học thường xuyên và nên là một phần trong những hợp đồng thu mua. Một phương pháp kiểm tra ít chính xác hơn nhưng tiện lợi nhanh chóng chính là nếm thử vị của khô dầu hạt cải: nếu sản phẩm có vị “cay nóng” như mù tạt có nghĩa là hàm lượng glucosinolate trong nó khá cao. Ngoài ra, giống cải dầu “00-rapeseed” thường tạo ra khô dầu có màu nhạt hơn (nâu vàng nhạt) so với khô dầu được sản xuất từ những giống bình thường (nâu đậm) – điều này đạt được nhờ vào nhân giống cây trồng vì các cây “00-rapeseed” cho hạt màu nhạt hơn.

Cần lưu ý ở đây là nhiều giống cải dầu được trồng với mục đích sản xuất dầu diesel sinh học không phải là giống cải dầu “00-rapeseed” chất lượng. Vì vậy, xác định sự đa dạng nguồn gốc của khô dầu hạt cải là việc làm bắt buộc trước khi tiến hành thu mua và sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thuật ngữ Canola trên thế giới

Canola là viết tắt của “CANadian Oilseed, Low-Acid”, là một loạt những giống cải dầu “00-rapeseed” (Brassica campestris) được trồng và phát triển ở Canada vào đầu những năm 1970. Những giống cải dầu này đặc trưng bởi hàm lượng glucosinolate và axít erucic thấp, thích hợp cho người tiêu dùng (lấy dầu) và làm thức ăn gia súc (khô dầu). Ngày nay, thuật ngữ “canola” được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới để chỉ tất cả các giống cải dầu “00-rapeseed” mà không cần phân biệt nguồn gốc của chúng.

Khô dầu hạt cải thông thường làm nguyên liệu thức ăn

Nếu cho gia súc ăn hạt cải dầu với hàm lượng glucosinolate và axit erucic bình thường (cao), thì đương nhiên, việc sử dụng phải được hạn chế để tránh làm giảm hiệu suất và để đảm bảo sức khoẻ động vật nuôi. Nhìn chung, như trong hầu hết mọi trường hợp, động vật nhai lại ít nhạy cảm với các yếu tố kháng dưỡng hơn so với động vật dạ dày đơn. Do đó, không nên cho bò sữa ăn quá 2-4 kg khô dầu hạt cải / con mỗi ngày. Ở bò thịt, khô dầu cải không được vượt quá 1/4 tổng khẩu phần thức ăn tinh. Ở cừu và dê, lượng khô dầu hạt cải sử dụng không được vượt quá 20% trong khẩu phần. Trên heo, chỉ nên sử dụng khô dầu hạt cải trong khẩu phần thức ăn cho heo thịt vỗ béo và heo nái mang thai (dưới 10% trong khẩu phần). Không nên bổ sung quá 2-3% trong khẩu phần của gà con và hơn 5% đối với thức ăn của gà lớn. Nói chung, chúng ta cần thận trọng khi mới sử dụng khô dầu hạt cải lần đầu tiên hoặc khô dầu hạt cải từ nguồn mới. Tốt nhất nên bắt đầu với mức bổ sung thấp và tăng dần dần cho đến khi đạt được sự cân bằng tối ưu giữa hiệu suất và chi phí sản xuất. Ở đây, lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng có trình độ được khuyến khích tuân theo.

Cung cấp khô dầu hạt cải chất lượng cho thú

Khô dầu hạt cải từ các giống “00-rapeseed” (canola) có thể được sử dụng thoải mái hơn so với khô dầu hạt cải thông thường. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bổ sung canola hạn chế không quá 25-50% so với lượng đậu nành đang sử dụng. Trong thực tế, tỷ lệ này đã được chứng minh là liều bổ sung tốt nhất cho hầu hết các loài. Mặc dù có một số nghiên cứu báo cáo cho thấy, thay thế hoàn toàn khô dầu đậu nành bằng khô dầu hạt cải đã thành công, trong thực tế chúng ta nên hạn chế việc thay thế toàn bộ, trừ khi đảm bảo được chất lượng canola và khẩu phần thức ăn được chuyên gia dinh dưỡng đủ trình độ cân bằng và kiểm tra lại. Trong điều kiện thương mại, đối với khẩu phần thức ăn cho động vật nhai lại, khô dầu hạt cải có thể được sử dụng làm nguồn protein duy nhất (với những lưu ý thận trọng được nêu ở trên). Ở heo, canola có thể được sử dụng an toàn ở mức không quá 5-10% trong khẩu phần đối với heo nhỏ và 15-20% đối với heo lớn. Ở gà con, thậm chí ở mức thấp (5%) đôi khi có thể hạn chế sự tăng trưởng, do đó tốt nhất là không được sử dụng khô dầu hạt cải ở trường hợp này. Ở gà lớn (kể cả gà thịt), có thể dùng 5-8% nếu không có vấn đề. Đối với ngựa, tốt nhất là nên hạn chế lượng bổ sung hàng ngày xuống dưới 0.1% so với tổng trọng lượng cơ thể con vật.

Glucosinolate – Yếu tố chỉ dẫn

Một số chuyên gia dinh dưỡng có cơ hội tiếp cận những thông số về hàm lượng glucosinolate thực tế có trong một số loại khô dầu hạt cải thường ưu tiên sử dụng những dữ liệu này để đưa ra khuyến cáo hàm lượng bổ sung trong thức ăn. Phương pháp này đảm bảo lượng bổ sung tối đa được phép sử dụng và nhờ đó đảm bảo tiết kiệm tối ưu chi phí thức ăn (trong hầu hết các trường hợp). Hầu hết những báo cáo từ phòng thí nghiệm bao gồm các dữ liệu về hàm lượng gluconapin (glucosinolate chính có trong hạt cải dầu). Gluconapin được tìm thấy ở mức từ 0.25% trong hạt cải dầu, giảm xuống còn 0.05% trong khô dầu canola. Ví dụ về việc “phân loại” khô dầu hạt cải dựa trên gluconapin được minh họa bên dưới.

Đại gia súc

Lượng gluconapin mà bò thu nhận tối đa không được vượt quá 0.1g / kg trọng lượng cơ thể / ngày. Do đó, mỗi ngày một bò sữa có trọng lượng cơ thể là 600 kg không nên tiêu thụ quá 6g gluconapin. Dữ liệu này có thể dễ dàng được cập nhật vào phần mềm xây dựng khẩu phần là một yếu tố hạn chế.

Heo
Lượng thu nhận tối đa hàng ngày không được vượt quá 0.02g / mỗi kg trọng lượng cơ thể. Do đó, một heo vỗ béo với trọng lượng là 100 kg không nên tiêu thụ quá 0.2g gluconapin mỗi ngày.

Trứng vỏ nâu và có mùi khó chịu

Giống gà Rhode Island sản xuất trứng vỏ nâu không bao giờ được cho ăn khẩu phần có bổ sung khô dầu hạt cải hoặc bất kỳ thành phần nào khác có chứa chất sinapine. Ở tất cả các loài gia cầm, sinapine được chuyển thành trimethylamine trong manh tràng, được hấp thu, khử nhóm amin và sau đó được thải trừ ra ngoài. Giống gà Rhode Island không có khả năng khử amin hợp chất này, nó tích tụ trong máu và được chuyển vào trứng. Giống như hầu hết các gốc amin, trimethylamine làm nhiễm mùi tanh vào sản phẩm và không được người tiêu dùng chấp nhận.

Cần tránh hàm lượng lưu huỳnh cao

Trái ngược với đậu nành, các loại khô dầu hạt cải và canola chứa hàm lượng lưu huỳnh đáng kể, không phải là một phần của axit amin lưu huỳnh (như methionine và cystine). Khô dầu hạt cải và canola có chứa khoảng 1.5% lưu huỳnh, trong khi khô dầu đậu nành chứa ít hơn 0.5%. Hàm lượng lưu huỳnh cao này thường gây ra nhiều vấn đề. Ở gà thịt, nó có liên quan đến vấn đề về chân. Ở gà đẻ, lưu huỳnh có liên quan đến sự giảm hấp thu canxi. Ở heo con, lưu huỳnh có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy liên tục. Tất nhiên, ở heo giống, nó có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến sự hấp thu canxi và có thể làm giảm khả năng sinh sản. Hiện nay người ta tin rằng sự có mặt của lưu huỳnh trong khô dầu hạt cải cần được tính đến trong cân bằng điện giải của khẩu phần để tránh những vấn đề ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt khi bổ sung ở liều cao hoặc khẩu phần thức ăn (hoặc nguồn nước) đã có nhiều lưu huỳnh.

Cải dầu và đậu Hà Lan

Khô dầu hạt cải có hàm lượng lysine thấp và nhiều methionine-cystine. Nó cũng giá trị năng lượng thấp (thấp hơn 15-20% so với khô dầu đậu nành). Ngược lại, đậu Hà Lan, được trồng trong những vùng tương tự như cải dầu, giàu lysine, cao năng lượng và có hàm lượng methionine-cystine thấp. Như vậy, sự kết hợp giữa khô dầu hạt cải và đậu Hà Lan được đánh giá là lý tưởng, đặc biệt đối với khẩu phần thức ăn của heo, và là sự kết hợp những loại cây trồng lý tưởng cho mục đích canh tác trồng trọt.

CÔNG TY CỔ PHẦN ABC VIỆT NAM

Recent Posts

Recent Comments

    Archives

    Categories

    Meta

    Add to cart